Các nghiên cứu lâm sàng về giấm táo Giấm_táo

Một nghiên cứu thử nghiệm mù đôi giả dược được tiến hành để nghiên cứu tác dụng giúp giảm khối lượng mỡ của giấm ở những người Nhật bị bệnh béo phì. Các đối tượng được chỉ định ngẫu nhiên vào 3 nhóm có cân nặng, chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) và vòng eo tương đương nhau. Trong thời gian điều trị 12 tuần, các đối tượng được cho dùng 500 ml/ngày dung dịch với liều lượng giấm khác nhau giữa từng nhóm: hoặc 15 ml giấm (750 mg axit axêtic) hoặc 30 ml giấm (1.500 mg axit axêtic) hoặc 0 ml giấm (0 mg axit axêtic, giả dược). Ở cả hai nhóm đối tượng dùng dung dịch chứa giấm, trọng lượng cơ thể, BMI và BFR (tỷ lệ mỡ trong cơ thể) đều giảm nhiều kể từ tuần thứ 4, tỷ lệ giảm có phụ thuộc vào liều dùng. Ngoài ra, chu vi vòng eo, tỷ lệ eo - hông và các chỉ số mỡ triglyceride cũng giảm từ tuần thứ 8. Kết quả này có được nhờ vào tác dụng của giấm giúp giảm khối lượng mỡ trong cơ thể - các giá trị VFA (diện dích mỡ nội tạng), SFA (diện tích vùng mỡ dưới da) và TFA (tổng diện tích mỡ) cũng giảm đáng kể ở nhóm dùng giấm so với nhóm dùng giả dược. Mặc dù giảm mỡ nội tạng sẽ dễ dàng hơn giảm mỡ dưới da nhờ tập thể dục và kiêng khem[2][3][4][5] trong ăn uống nhưng cả hai chỉ số VFA và SFA trong nghiên cứu này đều cho thấy đã giảm. Trọng lượng cơ thể, mỡ bụng và chỉ số mỡ triglyceridesẽ khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên, năng lượng đưa vào cơ thể, các món ăn và hoạt động thể chất giữa ba nhóm trong suốt thời gian thử nghiệm đều không có gì khác biệt. Vì vậy, việc sử dụng giấm được cho là giúp giảm chỉ số BMI ở những người béo phì thông qua khả năng giảm khối lượng mỡ trong cơ thể. Tại Nhật Bản, tỷ lệ dân số có chỉ số BMI từ 25 đến 30 kg/m2 vượt hơn 30% và tỷ lệ dân số có chỉ số BMI từ 30 kg/m2 trở lên là khoảng 3%. Các kết quả của cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng các đối tượng người Nhật bị béo phì có chỉ số BMI từ 25 đến 30 kg/m2 đã giảm 1–2 kg trọng lượng cơ thể và 0.4 - 0.7 chỉ số BMI. Mặc dù mức độ giảm không phải là quá cao, tuy nhiên, người Nhật hơi bị béo phì thôi cũng đã có xu hướng mắc các bệnh liên quan đến béo phì[6], do vậy chỉ cần giảm một phần cân nặng cũng đã được xem là một thành công đối với những người Nhật bị béo phì[7]. Ngoài ra, mỗi 1 kg trọng lượng cơ thể tăng thêm được báo cáo là làm tăng từ 1-1.5% nguy cơ tử vong do bệnh động mạch vành[8].

Một nghiên cứu khác được tiến hành vào buổi sáng trên 10 đối tượng nam mắc bệnh tiểu đường loại 1 (tuổi 32 ± 3 năm, chỉ số BMI 24 ± 1 kg/m2, thời gian mắc bệnh tiểu đường 14 ± 3 năm, A1C 6,7 ± 0,2% và được yêu cầu không ăn gì thêm sau bữa tối trước đó). Những đối tượng nghiên cứu này đều được điều trị bằng insulin tác dụng nhanh trước bữa tối và insulin tác dụng chậm một lần mỗi ngày sau một đêm không ăn gì thêm kể từ bữa tối.Tất cả các đối tượng đều được yêu cầu không được tiêm thêm liều insulin tác dụng chậm trong vòng 2 ngày và insulin tác dụng nhanhtrong vòng 8 giờ, cũng như không được sử dụng giấm trong 2 tuần. Sau đó, việc truyền insulin được ngừng lại, các đối tượng được kết nối với tuyến tụy nhân tạo để kiểm tra lượng đường huyết liên tục. Tổng liều lượng dịch truyền insulin là như nhau trong các thí nghiệm với giấm (6,16 ± 1,5U) và giả dược (6,14 ± 1,2 U). Các đối tượng được phân chia ngẫu nhiên để sử dụng giấm (30 ml giấm, 20 ml nước) hoặc giả dược (50 ml nước) vào 5 phút trước bữa ăn - bao gồm bánh mì, pho mát, dăm bông gà tây, nước cam, bơ và một thanh ngũ cốc (566 kcal; 75 g cacbonhydrate, 26 g protein, 6 g chất béo). Trước bữa ăn, các đối tượng nhận được một liều Actrapid (8,9 ± 1 U) tiêm dưới da, được ước tính theo tỷ lệ tương đương giữa lượng insulin với carbohydrate của mỗi bệnh nhân, và bằng với tỉ lệ của một cuộc nghiên cứu chéo được tiến hành 1 tuần sau đó. Các đối tượng được lấy máu trước bữa ăn và vào các thời điểm 30, 60, 90, 120, 180, 240 phút sau bữa ăn, nhằm phục vụ cho việc đo lường chỉ số insulin (nghiên cứu của Linco, St. Charles, MO). Chỉ số đường huyết lúc đói giữa nhóm dùng giấm (5.5 ± 0.2 mmol/l) và nhóm dùng giả dược là như nhau (5.5 ± 0.2 mmol/l) và cho đến 30 phút sau ăn, chỉ số này giữa hai nhóm vẫn tương đương nhau. Đối với nhóm dùng giả dược, vào thời điểm 94 phút sau khi ăn, tỉ lệ này tăng lên đỉnh điểm (11.6 ± 1 mmol), trong khi sau khi dùng giấm, chỉ số này đã giảm còn 8.6 ±0.9 mmol/l (P=0,005) và giữ nguyên không tăng đột biến cho đến sau khi ăn và cả khi kết thúc thí nghiệm. Kết quả cho thấy, giấm giúp giảm 20% chỉ số đường huyết sau khi ăn so với giả dược. Nghiên cứu đã chứng minh rằng giấm giúp làm chậm quá trình thức ăn được tiêu hóa ở dạ dày và hấp thụ vào ruột. Hơn nữa, axit axetic đã được chứng minh có tác dụng ức chế hoạt động của enzym dis-accharidase[9] và làm tăng glycogen trong gancơ bắp[10].